top of page

VTS 2018: Suy ngẫm từ cuộc trò chuyện với Ajarn Sulak

"Vài tháng trở lại đây, tôi bắt đầu thấy mình bén duyên với Phật giáo. Nhưng thú thật tôi đọc về triết lý trong các cuốn Kinh nhiều hơn là tìm hiểu về các nhân vật đương thời. Do đó, phải tới đêm trước khi gặp Sulak tôi mới tìm hiểu về ông. Sau khi cùng các bạn xem một bài phỏng vấn về Sulak trong tình trạng mạng không ổn định lắm, tôi ghi lại nhanh những ấn tượng của mình về ông trước khi đi ngủ.



Ông vẫn còn rất minh mẫn. Mái đầu bạc, gương mặt hằn dấu vết thời gian nhưng quả thật đôi mắt và phong thái nói chuyện vẫn rất minh mẫn và quyết liệt.


Sinh ra trong một gia đình khá giả và đã từng có khát vọng trở thành một triết gia dẫn dắt tầng lớp tinh hoa, sau cuộc gặp gỡ với một vị Hoàng tử Thái Lan, Sulak quyết định sống cùng và học từ những người bị áp bức.


Bánh mì rất quan trọng nhưng hơi thở mới là điều thiết yếu trong cuộc sống. Hàng ngày chúng ta đang hít thở cái gì? Không khí ô nhiễm, sự giận dữ, lòng tham,...


Chúng tôi tới nhà Sulak vừa kịp giờ hẹn. Tôi không nhớ cuộc phỏng vấn mà mình xem tối qua đã được thực hiện cách đây bao lâu, nhưng Sulak đang ở trước mặt tôi quả thật vẫn còn rất minh mẫn. Thân xác của ông già đi còn tâm hồn của ông ngày càng thêm chín, càng thêm đậm đà.


Tôi hỏi Sulak là tại sao ông lại mong muốn giúp đỡ những người nghèo? Vậy người giàu thì đang ổn và không cần giúp đỡ hay sao? Lý do tôi hỏi câu này là bởi trước khi gặp ông, tôi cho rằng nếu có thể tác động tới tư tưởng của một người có trong tay nhiều nguồn lực, anh ta sẽ dễ dàng thực hiện được những lý tưởng cao đẹp và giúp đỡ người khác, há chẳng phải lợi hơn việc “đầu tư" vào một người tay trắng sao? Dù đầu óc anh ta có sáng nhưng tay không tấc sắt thì làm được gì? Vậy Sulak nói gì? Vẫn với nụ cười sáng quắc mà tôi đã từng thấy trong clip phỏng vấn đêm qua, ông nói: đừng giúp người bị áp bức, hãy học từ họ, học từ sự đau khổ của họ! Ừ, chỉ vậy thôi. Tôi không có nhiều thời gian để hỏi thêm và làm rõ ý của ông (vì còn nhiều câu hỏi khác đang chờ được trả lời). Thú thật là câu trả lời của ông không làm tôi thoả mãn ngay tại thời điểm đó. Thế nhưng gương mặt và nụ cười của ông thì làm tôi nhớ lắm. Về nhà, tôi cứ tiếp tục suy tư về những điều ông đã nói. Tôi hiểu rằng những câu hỏi như thế này chỉ có thể tự mình đi làm sáng tỏ, không ai có thể giúp mình trả lời được. Cho tới hôm nay, 2 tuần sau chuyến đi, tôi vẫn chưa ngộ ra một ý tưởng đột phá nào cả. Nhưng khi tập suy nghĩ từ góc nhìn mà Sulak đã nói, tôi phát hiện ra nhiều hướng tư duy mới mẻ:

Đúng là nhóm người giàu đang nắm giữ nhiều nguồn lực của xã hội. Nhưng điều gì xảy ra nếu những thứ mà xã hội đang định nghĩa là “nguồn lực" không phải là thứ cần để chúng ta có được một cuộc sống an lạc và bền vững? Điều gì xảy ra nếu thứ “nguồn lực" mà chúng ta cần đang có sẵn trong mỗi người?

Sống trong sự sung sướng, vui vẻ, ta dễ lầm tưởng về sự vĩnh hằng. Từ trong đau khổ, ta nhìn thấy điều gì?


Tôi tin chắc rằng, nếu tôi thật sự muốn đi đến cùng với câu hỏi này, cách duy nhất là hãy “học từ sự đau khổ của những người bị áp bức"! "- Cảm nhận từ nhà ngoại giao của chuyến đi.

Commentaires


©2022 by VCIL Travel School

bottom of page