top of page

VTS 2019: Bảng tin về Mab Eaung Sufficiency Economy Center và World Soi Day tại Chonburi, Thái Lan

Đã cập nhật: 1 thg 1

Ngày 3 - 4 -5: Tiếp nối hành trình ở Mab -eaung, bài dài bù đắp cho những ngày bận rộn vừa qua. Như lời chị Ze-chan viết bài, mời mọi người lúc nào thảnh thơi ăn bánh uống trà rồi đọc .


"Mab Euang Agri-nature Learning Center hay là Sufficiency Economy in practice

(Mấy hôm lịch trình dày đặc, toàn ngủ sau nửa đêm nên giờ mới có thời gian để ngồi viết lại đầy đủ. Bài dài nên mọi người lựa lúc nào thảnh thơi ăn bánh uống trà hãy đọc : )) )

Sau khi rời cộng đồng Phật giáo Pathom Asoke nơi thấm đẫm tinh thần cho đi và phụng sự, bọn mình đến Trung tâm Mab Euang - một mô hình khác thể hiện rõ ràng hơn triết lý suficiency economy của vua Rama IX, nơi cũng đang diễn ra các hoạt động nhân World Soil Day đồng thời cũng là kỷ niệm ngày sinh của cố nhà vua. Nhìn chung ở cả 2 cộng đồng này đều nổi lên một điều: tính thực tế và khả thi của những mô hình tưởng như là lý tưởng phi thực tế, tất cả nhờ vào niềm tin chung của cả cộng đồng.


Nói thêm về triết lý sufficiency economy: lý thuyết này đã được vua Rama IX xây dựng trong nhiều chục năm và được nêu ra trong một bài phát biểu năm 1974, khi ông nhìn thấy trước rằng trong tương lai người nông dân Thái sẽ gặp nhiều khó khăn do bị lệ thuộc vào thị trường và dễ bị tổn thương trước khủng hoảng kinh tế, thiên tai, đất đai bạc màu do hoá chất, và bản thân họ không đủ ăn do chỉ trồng độc canh. Việc thực hành theo lý thuyết này sẽ giúp họ tự chủ và có sức chống chịu cao hơn, do tự túc được nước, thực phẩm, nhà ở, năng lượng, etc. Theo nhà vua thì, mọi người cứ nói về việc muốn Thái Lan hoá rồng hoá hổ, nhưng muốn rồng muốn hổ gì thì điều quan trọng đầu tiên là mỗi người dân phải đủ ăn đủ mặc có mái che trên đầu và có môi trường trong lành trước đã, rồi dư dả ra thì mới đem cho, đem bán, có như thế thì mới có thể "phát triển" một cách "bền vững". Thông tin thêm về Sufficiency Economy có thể xem tại đây


TS. Wiwat Salyakamthorn hay còn được gọi thân thương là Ajarn Yak (Ajarn nghĩa là Thầy) - người sáng tập trung tâm Mab Eaung - đã từng làm việc cho nhà vua trong 16 năm, tìm cách kêu gọi người Thái đi theo lý thuyết này. Tuy nhiên khi đó gần như chẳng ai tin và nghe theo cả, dù dân bên này họ rất kính trọng nhà vua. Họ bảo ông là mấy người ngồi bàn giấy ăn lương nhà nước nói thì hay lắm còn chắc gì làm đã được. Thế là Ajarn Yak quyết định bỏ việc về quê, một vùng độc canh mía mà đất đã hoá cát sỏi do hoá chất, để tự mình thực hành lý thuyết của nhà vua. Câu chuyện mình được nghe đi nghe lại 2 hôm ở Mab Eaung đó là ông là người 1 mình đặt nền móng cho nơi này, với vô vàn khó khăn vì khi đó chỉ có mình ông làm, là người đầu tiên. Nhưng ông quyết tâm làm vì ông biết rằng tầm nhìn của nhà vua là đúng và điều ông làm là vô cùng quan trọng. Từ đó đến giờ đã hơn 20 năm. Mab Eaung đã trở thành một khu vườn rừng và mạng lưới các cộng đồng thực hành sufficiency economy trên toàn Thái Lan đã lên đến hơn 50 thành viên, trong đó có khoảng 10 learning center tương tự như Mab Eaung. Phương châm ở đây là "Tiền bạc là phù du, chỉ đồ ăn là có thật", "Nuôi đất rồi đất sẽ nuôi cây, phần còn lại thiên nhiên tự lo liệu", "Càng cho đi, càng nhận lại", "Phần ta mất là phần ta được". Ajarn Yak bảo là "bad people, bad soil, bad planet", con người thực ra vừa tham vừa dốt, không hiểu vai trò vị trí của mình trong tự nhiên, hiểu sự kết ràng giữa muôn loài nên không thấy rằng hàng tỷ vi sinh vật trong đất đóng vai trò nền tảng của sự sống. Chúng ta xài hoá chất làm chết hết vi sinh vật, làm chết đất, chết cây, giết chết hành tinh và giết chết chính mình. Muốn có hành tinh tốt đẹp phải bắt đầu từ con người tốt đẹp, rồi làm cho đất tốt lên thì từ đó mới có hành tinh tốt. Người có trí tuệ sẽ không làm việc chỉ vì tiền, bởi tiền là phù du, qua đợt khủng hoảng kinh tế Thái Lan 1997 có thể thấy tiền nhanh chóng mất đi giá trị của nó thế nào. Kẻ có trí tuệ sẽ làm việc vì đất, vì nước, vì cây, vì rừng để luôn tự chủ được thực phẩm và những yếu tố thiết yếu cho cuộc sống.




Bọn mình sang Mab Eaung vào lúc đang có sự kiện nên cũng không được thực sự trải nghiệm cuộc sống ở đây, mà chủ yếu là tham quan và nghe giới thiệu. Người dẫn tour cho bọn mình là 1 bạn Bhutan bằng tuổi mình. Bạn và 3 bạn trẻ nữa được ba mẹ là những người đang làm trong chính phủ Bhutan gửi qua đây 4 năm để học về sufficiency economy, do chính họ cảm thấy ở Bhutan có quá nhiều vấn đề: phụ thuộc vào Ấn Độ, nhập khẩu 80% thực phẩm, nông nghiệp vẫn xài hoá chất, 1 số nơi thì thiếu nước, nói chung là không có độc lập và tự chủ. Các bạn lúc mới sang thì chẳng biết làm gì, vì vốn cũng là cậu ấm cô chiêu nhiều đặc quyền, nhưng sau 4 năm thì cái gì cũng biết làm (hồi còn học ở đây mấy đứa xây được nguyên cái nhà đất, trồng được mảnh ruộng, có rau, có ao cá và cơ bản xây dựng được mô hình tự cấp tự túc chỉ trong có 2 tháng với ngân sách là 0 bath, gọi là "zero bath project"). Giờ các bạn đã học xong và đang xây dựng 1 trung tâm tương tự ở Bhutan.

Ở Mab Eaung có 9 learning center để mọi người có thể học cách tự chủ những nền tảng cơ bản nhất cho cuộc sống: quản lý đất, quản lý nước, làm vườn rừng đa tầng tán (ở đây gọi là 3 loại rừng cho 4 lợi ích) để cung cấp đầu vào cho thực phẩm, thuốc, làm nhà cũng như để có các lợi ích sinh thái khác như điều hoà nhiệt độ (từ ngoài đường bước vô đây thấy mát rượi luôn), giữ nước, cấp oxi - 3 cái đầu này là quan trọng và nền tảng nhất, rồi đến trồng lúa, hầm than củi, làm nhà từ vật liệu tự nhiên (tre, đất), sản xuất bio diesel (từ dầu ăn thừa), làm các sản phẩm tẩy rửa trong nhà (như nước giặt, xà bông), và chăm sóc sức khoẻ (spa, massage, yoga...). Việc dạy học ở đây cũng không theo 1 giáo trình chung nhất cho 1 nơi mà chia theo các vùng địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau ứng với các vùng của Thái Lan.


Toàn bộ đất trồng ở đây đều được che phủ bằng rơm hoặc lá khô tự rụng để giữ ẩm, giữ nước và làm nhà cho côn trùng, tụi hắn sẽ giúp phân huỷ xác thực vật nhanh hơn. Gần như toàn bộ nước sử dụng là nước mặt, họ đào các kênh để dẫn nước về các hồ, ao vào mùa mưa (đất đào kênh dùng để đắp bờ bao trữ nước trồng lúa kết hợp nuôi cua tôm cá, trên bờ thì trồng thêm rau và dược liệu), trồng cây, vetiver trên bờ bao để tận dụng nguồn nước và trữ nước cũng như để giữ đất, điều tiết dòng chảy bằng các lưới chắn đan bằng lạt tre để nước có thời gian ngấm xuống đất và không rửa trôi đất (khi dòng chảy mạnh vào mùa mưa). Đến mùa khô thì họ bơm nước lên hồ chứa cao hơn rồi để nước tự chảy theo các đường dẫn về chỗ cũ, như vậy nước sẽ có sự lưu thông. Họ cũng đào hào quanh nhà và đắp nền nhà cao lên để ứng phó với lụt, mái nhà nghiêng sẽ dẫn nước mưa xuống kênh. Bao quanh khu đất họ đào hào và trồng cây cao để tạo một lớp bảo vệ khỏi khu trồng mía xài hoá chất xung quanh. Phần đất ven đường thì trồng chuối để 1. Ai đi đường đói quá có thể vặt chuối ăn : )) và 2. Ai xỉn lái xe đâm vô vệ đường mà đâm vào chuối thì cũng không bị thương. Chuối và hào nước đồng thời cũng là hệ thống phòng ngừa trong trường hợp có cháy, ngăn không cho đám cháy lan rộng. Ngoài những yếu tố cơ bản cho đời sống tự đủ, Mab Eaung cũng ý thức về biến đổi khí hậu và có các mô hình thích ứng. Họ có nhà nổi bằng tre, lắp pin mặt trời, trên nhà nổi có diện tích để nuôi cá, trồng cây đặng có miếng ăn khi nước ngập.

Ở đây cũng có hệ thống lọc nước tự chế bằng than, cát và đá, có máy test nhanh để biết khi nào cần thay lõi, và khi đem nước đi test ở phòng lab thì chất lượng còn tốt hơn cả 1 số loại nước đóng chai. Than thì tự hầm, phụ phẩm còn có dấm gỗ để chế thuốc trừ sâu sinh học. Trường học ở đây là trường học mở, học qua thực hành (cậu ta bảo là học ở trường chính thống cho lắm vào rồi ra đời thành khuyết tật hết vì toàn bộ ăn mặc ở đều phụ thuộc vào người khác). Ai thích học gì thì đăng ký học, thậm chí nếu muốn học những món mà ở đây không có thì sẽ được gửi tới những nơi có chuyên môn để học, sau khi đã học xong những món nền tảng. Ở đây các bạn còn học làm pizza với nhiều vị, nhiều hình dáng khác nhau, thích uống cafe thì lên youtube tự coi cách chế máy rang cafe, tự pha cafe, thậm chí còn chế ra loại cafe riêng và có thể bán lấy xiền. Mình cũng để ý là đồng phục của trung tâm toàn là dệt tay nhuộm chàm và thêu tay hết.

.

Nhưng điều làm mình ấn tượng hơn cả là tinh thần cộng đồng và sự tỉnh thức ở đây. Tối ngày thứ 4 bọn mình được tham gia talkshow của Ajarn Yak và các cô chú khác - những người hoặc là có 1 trung tâm tương tự, hoặc là đang hỗ trợ Ajarn Yak. Talkshow làm ngoài trời, trải chiếu xuống cả cộng đồng đủ cả già trẻ lớn bé ngồi quây quần lại nghe. Nội dung thì so deep, toàn chuyện bỏ nghề bỏ việc đi theo tiếng gọi lương tâm. Có chú từng làm ngân hàng thì bảo ngân hàng cơ bản là cướp của người nghèo, cho nông dân vay để trồng độc canh, hoá chất để rồi kiếm không được bao nhiêu mà còn phải trả lãi, nên chú bỏ ngân hàng đi theo kinh tế tự đủ luôn. Chú khác thì cũng từng làm trong bộ nông nghiệp Thái, từng cổ vũ cho việc dùng hoá chất, nhưng sau này thay đổi và đi theo con đường của nhà vua. 1 chú nữa thì thừa kế mấy cái resort tiền tỷ, do khủng hoảng kinh tế nên chẳng ai đến nữa, bỏ hoang nên chú biến thành learning center luôn, mà vẫn bị nợ tới 130 triệu bath (khoảng 100 tỷ ) suýt thì phải đóng cửa trung tâm đem đi đấu giá nhưng nhờ Ajarn Yak và bác Jon Jandai kêu gọi mọi người hỗ trợ nên quyên góp được tới 144 triệu, phần còn dư sẽ dùng cho các hoạt động hỗ trợ đào tạo. Rồi 1 cô thì có travel agency riêng mà mải đi theo hỗ trợ Ajarn Yak giảng dạy trên khắp cả nước nên agency phá sản cmnl  Mọi người ngồi nghe tới tận 10 giờ mới về.


Suốt 2 hôm ở Mab Eaung mình cứ gặp đi gặp lại những gương mặt thân quen. Là mấy chị người Thái đã giúp dịch tiếng Anh cho bọn mình, là các cô chú trong talkshow, là chị gái và cô bên khu spa cho bọn mình ngâm chân đắp mặt không nhận tiền chỉ nhận 1 cái ôm. Nó làm mình cảm thấy sự gắn bó, yêu thương và gần gũi giữa những con người này - một cộng đồng chia sẻ cùng một niềm tin vào nhà vua và Ajarn Yak của họ. Thêm nữa là sự mở lòng đón nhận của họ với những người ngoài: là nhóm Việt Nam tụi mình, là Konohana Family từ Nhật, là nhóm các bạn Bhutan, rồi các bạn Lào, các nhà sư từ Sri Lanka...


Nói đến đây thì nhớ ra là mình gặp phải 2 cú shock ở nơi này: một là khi mấy bạn Bhutan nói rằng GNH giờ chẳng còn work nữa rồi, chính phủ chỉ có nói là hay chứ thực ra thì cũng theo tư duy nhiệm kỳ, chẳng thực sự quan tâm đến well-being của người dân. Trường học thì free mà chất lượng như hạch. Y tế cũng free mà cũng như hạch luôn. Túm lại tụi hắn nói xấu nhiều lắm, mình thì nghe để biết thêm mặt tối thôi chứ cũng không thể kết luận gì. Cái xong hỏi Konohana family là có thực hành theo cụ Fukuoka không, thì họ phá ra cười rồi bảo ở Nhật giờ chẳng ai theo cụ nữa vì nó không thực tế, mày cứ thử làm đi rồi khắc biết. Again, mình cũng tiếp thu vậy thôi chứ không nghĩ là họ hoàn toàn đúng. Có điều cái keyword mình bắt được từ câu chuyện của Mab Eaung, Bhutan và Nhật Bản là: phải làm mới biết được. Cái xong mình bị đơ luôn, vì mình thấy đó giờ mình cũng nói nhiều quá, mà chưa có làm được như họ, thành ra đó giờ chẳng muốn nói gì nữa cả. Một điều nữa mà Pathom Asoke và Mab Eaung dạy cho mình là mình thấy rõ hơn bao giờ hết rằng con người là điều quan trọng nhất chứ không phải là công nghệ hay mô hình hay lý thuyết. Dù mô hình và lý thuyết có hay có tốt đến đâu mà con người sử dụng nó không có thái độ đúng đắn, thiếu kiến thức, kỹ năng, thì cũng chẳng nên cơm cháo gì.

.

Trước khi rời Mab Eaung, bọn mình còn có cơ duyên gặp bác Daycha Siripacha, một trong những người tiên phong giúp vận động hợp pháp hoá việc sử dụng cần sa trong y tế ở Thái Lan (giờ Thái Lan cho phép trồng cần tại nhà luôn rồi các mẹ ạ :'s). Bác 71 tuổi mà trông vẫn khoẻ mạnh tinh anh lắm. Bác bảo trước đây bác bị bệnh, chẳng nơi nào chữa được, cái xong bác gặp một nhà sư - người nói với bác là có thể dùng cần để chữa bệnh, và tri thức đó nhà sư có được trong quá trình hành thiền. Bác thử ứng dụng trên bản thân, dùng dầu cần sa mix với dầu dừa (chỉ có 3% cần sa thôi) thì thấy hết bệnh và khoẻ mạnh hơn hẳn. Giờ bộ y tế Thái Lan đã chính thức công nhận loại dầu cần sa đó, và bác muốn phát miễn phí cho các bệnh nhân vì với bác, người bệnh đã khổ sở lắm rồi, không thể lấy tiền của họ được.


Chốt bài bằng một lời quảng cáo: nhờ các bé VCIL siêu trẻ siêu xịn xin xỏ mà tháng 2 - 3 năm sau người Việt chúng ta có thể qua Mab Eaung học một khoá về sufficiency economy, nội dung tự đề xuất, muốn học gì thì list ra để họ thiết kế chương trình. Ăn ở học miễn phí, mất tiền di chuyển thôi. Và Ajarn Yak nói là chính bác sẽ đích thân dạy bọn mình, vì mấy đứa đều là con giai con gái của bác. Mọi người có thể tham khảo và đăng ký với Thiên qua post này: https://www.facebook.com/100001082003571/posts/2673238079388899/


CẬP NHẬT TỪ NĂM 2024: Sau nhiều năm thì cuối cùng lời mời này mới thành hiện thực. Mọi người có thể xem recap ở đây và video recap ở đây


Mọi người có thể xem thêm các hình ảnh của Mab Euang ở đây


Người viết: chị Ze -chan - Thành viên VCIL Travel School 2019

Commenti


©2022 by VCIL Travel School

bottom of page